Sản lượng dược phẩm của Hoa Kỳ đã giảm đáng kể trong những thập kỷ gần đây do chi phí lao động và các khâu khác trong quy trình sản xuất ở các quốc gia như Trung Quốc và một số quốc gia châu Âu thấp hơn.
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump phát biểu
trước khi ký các sắc lệnh hành pháp tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, tại
Washington, DC ngày 5/5
Thông tin từ Nhà Trắng cho hay, sắc lệnh này yêu cầu Cục
Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) giảm thời gian phê duyệt các dự án nhà máy
sản xuất dược phẩm và thuốc tại Hoa Kỳ bằng cách loại bỏ các yêu cầu không cần
thiết, đơn giản hóa các đợt đánh giá và làm việc với các nhà sản xuất thuốc
trong nước để các cơ sở sản xuất sớm đi vào hoạt động.
Thông tư cũng chỉ đạo cơ quan này tăng phí kiểm tra đối
với các nhà máy sản xuất nước ngoài, cải thiện việc thực thi báo cáo nguồn
thành phần hoạt tính của các nhà sản xuất nước ngoài và xem xét niêm yết công
khai các cơ sở không tuân thủ.
Nhà Trắng ước tính rằng hiện tại phải mất từ 5 đến
10 năm để xây dựng năng lực sản xuất dược phẩm mới, điều mà họ gọi là “không thể
chấp nhận được xét về mặt an ninh quốc gia”.
“Chúng tôi không
muốn mua dược phẩm của mình từ các quốc gia khác vì nếu chúng tôi tham gia chiến
tranh, chúng tôi sẽ gặp vấn đề, chúng tôi muốn có thể tự sản xuất”, Tổng thống Trump
nhấn mạnh, “Khi chúng tôi đầu tư vào tương lai, chúng tôi sẽ đưa chuỗi cung ứng
y tế của mình trở về nước một cách vĩnh viễn. Chúng tôi sẽ sản xuất vật tư y tế,
dược phẩm và phương pháp điều trị ngay tại Hoa Kỳ”.
Sắc lệnh mới sẽ cho phép FDA tiến hành nhiều cuộc
thanh tra hơn đối với các cơ sở sản xuất dược phẩm nhất là các cơ sở của nước
ngoài mà không cần báo trước, theo Ủy viên Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm
Hoa Kỳ - Marty Makary cho hay trước các phóng viên hôm 5/5.
“Chúng tôi có một hệ thống khá bất hợp lý ở Hoa Kỳ -
nơi mà các nhà sản xuất dược phẩm trong nước thì bị kiểm tra rất gắt gao, phải
trải qua đủ loại thanh tra bất ngờ, trong khi các cơ sở sản xuất ở nước ngoài lại
dễ dàng hơn nhiều vì họ được báo trước khi kiểm tra”, ông Makary nói.
Sắc lệnh của tổng thống Trump cũng chỉ đạo Cơ quan Bảo
vệ Môi trường “đẩy nhanh việc xây dựng các cơ sở” liên quan đến sản xuất thuốc
và dược liệu. Ngoài ra, lệnh này còn đảm bảo rằng các cơ quan liên bang khi cấp
phép cho một cơ sở sản xuất dược phẩm trong nước phải chỉ định một đầu mối liên
lạc duy nhất để phối hợp xử lý hồ sơ, cùng với sự hỗ trợ từ Văn phòng Quản lý
và Ngân sách Nhà Trắng.
Sắc lệnh mới được đưa ra trước khi tổng thống Trump
lên kế hoạch áp thuế đối với các loại dược phẩm nhập khẩu vào Hoa Kỳ. Những khoản
thuế tiềm năng cùng những nỗ lực cải cách và xây dựng lại chuỗi cung ứng dược
phẩm Hoa Kỳ theo định hướng của tổng thống Trump hiện đang thúc đẩy làn sóng đầu
tư sản xuất trong nước mới từ các nhà sản xuất thuốc như Eli Lilly, Johnson
& Johnson và AbbVie
Tổng thống Trump cũng chia sẻ với các PV về việc ông sẽ
công bố mức thuế cụ thể đối với các sản phẩm thuốc và dược phẩm trong vòng 2 tuần
tới. Và tiết lộ thêm rằng trong tháng 4 vừa qua chính quyền của ông cũng đã mở
một cuộc điều tra được gọi là Mục 232 về cách nhập khẩu một số loại dược phẩm
nhất định ảnh hưởng đến an ninh quốc gia - một động thái được coi rộng rãi là
bước mở đầu cho việc áp thuế đối với thuốc.
Đối lập với làn sóng ủng hộ, 1 số công ty dược phẩm khác
lại đang bắt đầu phản đối kế hoạch của ông Trump. Ví dụ, Giám đốc điều hành của
Pfizer - Albert Bourla, cho biết tuần trước rằng mối đe dọa thuế quan đang ngăn
cản công ty này đầu tư thêm vào nghiên cứu, phát triển và sản xuất tại Hoa Kỳ.
Hoạt động sản xuất của ngành dược phẩm Hoa Kỳ đã giảm
đáng kể trong những thập kỷ gần đây. Theo FDA việc sản xuất hầu hết các thành
phần hoạt tính trong thuốc đã được chuyển sang Trung Quốc và các quốc gia khác,
chủ yếu là do chi phí lao động và các bộ phận khác của quy trình sản xuất có
chi phí thấp hơn.
Theo phân tích do công ty tư vấn EY thực hiện, chỉ
riêng năm 2023, Hoa Kỳ đã nhập khẩu 203 tỷ đô la sản phẩm dược phẩm, trong đó
73% đến từ châu Âu, chủ yếu là Ireland, Đức và Thụy Sĩ.
Theo một thông cáo báo chí tháng 4 từ GlobalData - công
ty chuyên phân tích dữ liệu, việc chuyển hoạt động sản xuất về nước có thể giúp
chuỗi cung ứng thuốc mạnh mẽ hơn, giảm nguy cơ gián đoạn. Tuy nhiên, GlobalData
cho biết điều này có thể làm tăng chi phí sản xuất và giá thuốc, gây ra lo ngại
về khả năng chi trả đối với các bệnh nhân Mỹ.
Theo CNBC