Phát triển dưới tiềm năng
Theo Cục Hóa chất (Bộ Công Thương), tại Việt Nam, trong số
10 ngành công nghiệp lớn nhất cả nước theo phân ngành cấp 2, công nghiệp hóa chất
(CNHC) được xếp vào nhóm ngành thứ ba, chiếm tỷ trọng 2-5% GDP của toàn ngành
công nghiệp.
Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất công nghiệp của ngành
khoảng 10-11%/năm; lực lượng lao động khoảng 2,7 triệu (chiếm gần 10% lao động
toàn ngành công nghiệp) và năng suất lao động cao 1,36 lần năng suất lao động
trung bình của toàn ngành công nghiệp (do có mức độ tự động hóa khá cao).
Một số lĩnh vực đã cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu trong nước
như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, săm lốp, sơn thông dụng, sản phẩm tẩy rửa.
Chủng loại, cơ cấu sản phẩm ngày càng đa dạng, cung cấp nguyên liệu đầu vào cho
nhiều ngành công nghiệp khác như điện tử, luyện kim, dệt may - giày da, chế biến
thực phẩm, ô tô…
Mặc dù đã đạt được một số thành tựu đáng kể, tuy nhiên
quy mô và tốc độ phát triển của ngành chưa tương xứng với vai trò và tiềm năng
phát triển, nhiều loại nguyên liệu và sản phẩm hóa chất còn phụ thuộc vào nhập
khẩu; đầu tư cho ngành còn hạn chế, cơ cấu đầu tư còn bất hợp lý, chưa có nhiều
sản phẩm có giá trị gia tăng cao, chưa hình thành chuỗi giá trị các sản phẩm
hóa chất trong khu vực và toàn cầu.
Mở thêm không gian cho ngành công
nghiệp hóa chất
Nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện
chủ trương, đường lối của Đảng, đồng thời phát triển CNHC theo hướng bền vững,
tăng trưởng xanh, an toàn và thân thiện với môi trường, trong quá trình xây dựng
dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi), Bộ Công Thương đã tham mưu Chính phủ 5 giải
pháp, bao gồm:
Thứ nhất, bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi chiến lược
phát triển ngành công nghiệp hóa chất.
Dự thảo bổ sung các quy định về xây dựng và thực thi chiến
lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất theo hướng quy định rõ yêu cầu đối với
nội dung của chiến lược; giai đoạn lập chiến lược; trách nhiệm xây dựng, thẩm
quyền phê duyệt và trách nhiệm tổ chức thực hiện chiến lược phát triển công
nghiệp hóa chất.
Thứ hai, xây dựng yêu cầu, tiêu chí, quy định đặc thù đối với dự
án hóa chất.
Khái niệm về “Dự án hóa chất” đã được làm rõ hơn so với
Luật Hóa chất 2007, cụ thể: Dự án hóa chất là dự án đầu tư xây dựng được hình
thành và thực hiện với mục tiêu chính để tiến hành hoạt động sản xuất, tồn trữ
hóa chất và các sản phẩm của ngành công nghiệp hóa chất.
Thứ ba, ưu đãi đối với lĩnh vực công nghiệp hóa chất trọng điểm.
Nhằm tạo cơ chế, chính sách phù hợp để triển khai thực hiện
chủ trương, đường lối của Đảng về thúc đẩy phát triển công nghiệp hóa chất
thành ngành công nghiệp nền tảng, hiện đại, dự thảo Luật quy định về các lĩnh vực
công nghiệp hóa chất trọng điểm và các dự án đầu tư thuộc các lĩnh vực này phù
hợp với chiến lược phát triển ngành công nghiệp hóa chất, có quy mô vốn đầu tư,
tiến độ giải ngân theo quy định của Chính phủ được hưởng ưu đãi và hỗ trợ đầu
tư đặc biệt theo quy định tại Luật Đầu tư và quy định của luật khác có liên
quan.
Thứ tư, xây dựng các quy định nhằm quản lý, thúc đẩy mạng lưới
tư vấn trong hoạt động hóa chất, hỗ trợ phát triển cả về số lượng và chất lượng.
Cụ thể, Dự thảo Luật Hóa chất (sửa đổi) đã bổ sung quy định
về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất theo hướng: Bổ sung điều kiện về
chuyên môn hóa chất đối với tư vấn thực hiện các hoạt động xây dựng. Việc cấp
chứng chỉ cho các đối tượng này thực hiện theo quy định hiện hành của Luật Xây
dựng.
Cùng với đó, bổ sung quy định về điều kiện chuyên môn, cấp
chứng chỉ đối với một số hoạt động tư vấn liên quan trực tiếp đến công nghệ và
an toàn, an ninh hóa chất.
Đại diện Cục Hóa chất cho rằng, việc bổ sung quy định về hoạt động tư vấn chuyên ngành hóa chất nhằm nâng cao hiệu quả công tác an toàn hóa chất, đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư dự án, lựa chọn được các giải pháp công nghệ, xây dựng, an toàn phù hợp, hiệu quả, tiết kiệm chi phí.
Thứ năm, sửa đổi quy định về thời điểm thẩm định Kế hoạch phòng
ngừa, ứng phó sự cố hóa chất.
Theo đánh giá của Cục Hóa chất, việc thẩm định Kế hoạch
phòng ngừa, ứng phó sự cố hóa chất trong giai đoạn lập báo cáo nghiên cứu khả
thi (FS) vừa bảo đảm hiệu quả trong công tác thẩm định, phê duyệt của cơ quan
quản lý nhà nước, vừa giúp doanh nghiệp giảm thiểu thiệt hại có thể phát sinh
do phải sửa đổi kết cấu xây dựng. Căn cứ vào hồ sơ thiết kế từ giai đoạn FS, cơ
quan quản lý đã có đầy đủ thông tin để tiến hành thẩm định Kế hoạch phòng ngừa,
ứng phó sự cố hóa chất; việc kiểm tra, phê duyệt kế hoạch này sẽ được kết hợp
trong quá trình kiểm tra nghiệm thu hoàn thành công trình xây dựng, không phát
sinh thủ tục hành chính.
Theo BCT