Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra về việc nhập khẩu máy bay thương mại, linh kiện và động cơ máy bay phản lực để xác định liệu chúng có ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Mỹ hay không.

Theo Simpleflying, cuộc điều tra, được khởi động vào ngày 1/5/2025, tiến hành theo Mục 232 của Đạo luật Mở rộng Thương mại năm 1962.

Mục 232 là một điều khoản trong Luật thương mại Mỹ cho phép Tổng thống áp đặt các biện pháp hạn chế thương mại, như thuế quan, đối với hàng nhập khẩu nếu xác định chúng đe dọa đến an ninh quốc gia.


Cuộc điều tra này có thể hình thành cơ chế cho phép áp thuế quan cao hơn cho máy bay nhập khẩu, cũng như động cơ và linh kiện có nguồn gốc nước ngoài. Ảnh: Simpleflying.

Trước đó, chính quyền Tổng thống Trump từng sử dụng kết luận của Bộ Thương mại để áp thuế 25% đối với nhôm và thép nhập khẩu.

Cuộc điều tra có thể trở thành cơ sở để Mỹ áp thuế cao hơn nữa đối với máy bay, động cơ và các linh kiện liên quan đến nhập khẩu. Theo một báo cáo của Reuters, một số hãng bay cho biết không hề hay biết về cuộc điều tra cho đến khi thông tin này được công bố vào ngày 1/5 vừa qua.

Trong hồ sơ công bố ngày 9/5, Bộ Thương mại Mỹ nhấn mạnh mong muốn tiếp nhận ý kiến từ công chúng, đặc biệt là các yếu tố như tác động của trợ cấp từ chính phủ nước ngoài, các hành vi thương mại mang tính thao túng, cùng nhu cầu hiện tại và dự báo trong tương lai đối với máy bay thương mại, động cơ phản lực và các bộ phận liên quan tại thị trường Mỹ.

Bộ Thương mại Mỹ cũng đang xem xét rủi ro tiềm tàng khi các quốc gia nước ngoài có thể hạn chế xuất khẩu hoặc lợi dụng quyền kiểm soát máy bay, động cơ và linh kiện như một công cụ gây sức ép chính trị hoặc kinh tế.

Các hãng bay và nhà sản xuất máy bay đang kêu gọi Tổng thống Donald Trump khôi phục các điều khoản miễn thuế theo Thỏa thuận Máy bay Dân dụng năm 1979, trong đó Mỹ thụ hưởng thặng dư thương mại lên đến 75 tỉ USD/năm.

Delta Air Lines đã thể hiện lập trường cứng rắn phản đối việc Mỹ áp thuế mới đối với máy bay nhập khẩu.


Giới lãnh đạo các hãng hàng không Mỹ đã nêu lên khả năng hoàn trả những máy bay đã thuê và hoãn việc giao máy bay nếu chính quyền Tổng thống Trump áp thuế quan. Ảnh: Simpleflying.

Trong cuộc họp công bố kết quả kinh doanh quý I ngày 9/4 vừa qua, Giám đốc điều hành Ed Bastian tuyên bố Delta Air Lines sẽ không chi trả bất kỳ khoản thuế nào đối với các lô máy bay Airbus sắp tới. Thay vào đó, hãng sẽ hoãn nhận máy bay nếu các mức thuế được áp dụng.

Delta Air Lines hiện là một trong những khách hàng lớn nhất của Airbus tại Mỹ, với hàng chục chiếc dự kiến bàn giao trong năm 2025, bao gồm các dòng A220, A330neo và A350-1000 thân rộng. Những quy định thương mại mới từ Nhà Trắng có thể khiến các máy bay này đội giá đáng kể.

Tuy nhiên, không chỉ các hãng hàng không Mỹ — vốn đang có số lượng đơn đặt hàng lớn với Airbus hoặc Embraer (Brazil)— chịu ảnh hưởng.

Toàn bộ ngành công nghiệp hàng không vũ trụ Mỹ cũng sẽ bị tác động, do phụ thuộc nhiều vào linh kiện nhập khẩu. Ngay cả Boeing cũng đang sử dụng hàng loạt bộ phận từ nước ngoài để lắp ráp máy bay.


Giám đốc điều hành Ed Bastian tuyên bố Delta Air Lines sẽ hoãn nhận máy bay nếu các mức thuế được áp dụng. Ảnh: Simpleflying.

Vì vậy, việc áp thuế đối với máy bay thương mại, động cơ và linh kiện sẽ không chỉ ảnh hưởng đến nhà cung cấp nước ngoài, mà còn gây thiệt hại trực tiếp cho chính ngành công nghiệp Mỹ.

Trong khuôn khổ thỏa thuận thương mại giữa Mỹ và Anh, các bộ phận máy bay do Anh sản xuất, bao gồm động cơ Rolls-Royce, có thể được miễn thuế khi nhập khẩu vào thị trường Mỹ.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ Howard Lutnick cho biết, theo thỏa thuận thương mại mới với Anh, các động cơ Rolls-Royce và các linh kiện máy bay tương tự sẽ không bị áp thuế.

Động cơ Rolls-Royce đã từng được sử dụng trên nhiều mẫu máy bay thương mại của Boeing trong những năm qua. Chẳng hạn, động cơ Trent 800 từng được trang bị cho các phiên bản đầu của Boeing 777 như 777-200 và 777-200ER. Hiện tại, Rolls-Royce đang cung cấp động cơ Trent 1000 cho dòng Boeing 787 Dreamliner.

Vì vậy, thỏa thuận thương mại giữa hai quốc gia có ý nghĩa quan trọng với Mỹ, do Boeing đang phụ thuộc vào động cơ Rolls-Royce cho một số dòng máy bay thương mại, và các cơ sở sửa chữa, bảo dưỡng trong nước cũng cần nguồn cung linh kiện ổn định.

Việc Mỹ và Trung Quốc vừa đạt thỏa thuận giảm thuế quan trong 90 ngày được các chuyên gia nhận định sẽ giảm bớt áp lực cho ngành hàng không. Thỏa thuận giúp làm giảm giá linh kiện nhập khẩu, giúp các hãng hàng không tiết kiệm chi phí và tạo cơ hội cho hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, tác động của thỏa thuận này đối với các hãng hàng không như Boeing, Airbus...vẫn cần theo dõi thêm.

Theo TCHK