Thị trường vàng toàn cầu đang phát đi những tín hiệu bất thường. Trong 2 tháng đầu 2025, Mỹ âm thầm nhập khẩu hơn 600 tấn vàng từ London và Thụy Sĩ, theo dữ liệu của Hội đồng Vàng Thế giới (WGC). Giới phân tích ngân hàng gọi đây là “hiện tượng tạm thời” do các ngân hàng vàng tăng dự trữ để tránh thuế quan. Nhưng quy mô giao dịch cho thấy một câu chuyện lớn hơn đang diễn ra.
Năm 2024, các ngân hàng trung ương toàn cầu đã mua 1.062
tấn vàng, đánh dấu năm thứ ba liên tiếp mức mua ròng vượt 1.000 tấn. Đây là mức
tích lũy cao nhất kể từ thập niên 1950. Điều này đặt ra câu hỏi: Các quốc gia lớn
đang lo ngại điều gì?
Nga và Trung Quốc dẫn đầu cuộc đua tích trữ vàng, tăng dự
trữ với tốc độ chưa từng thấy trong 2 thập kỷ qua. Động thái này cho thấy khả
năng họ đang chuẩn bị cho một biến động tài chính hoặc chủ động tạo ra nó.
Trong khi đó, dự trữ vàng chính thức của Mỹ duy trì ổn định ở mức 8.133 tấn,
trong đó khoảng 4.603 tấn được cất giữ tại Fort Knox.
Gần đây, Trung Quốc đã lần đầu tiên cho phép doanh nghiệp
trong nước dùng ngoại tệ để mua vàng vật chất. Với 784 tỷ USD trái phiếu chính
phủ Mỹ trong tay (tính đến tháng 2/2025), chỉ cần chuyển đổi 10% số này sang
vàng đã tương đương gần 8% lượng vàng tại Fort Knox. Đây không còn là chuyện lý
thuyết mà là bước đi chiến lược.
Từ khi Tổng thống Donald Trump tái đắc cử, lượng vàng vật
chất đổ vào Mỹ tăng đột biến, chủ yếu từ hai trung tâm giao dịch vàng lớn nhất
thế giới là London và Thụy Sĩ. Trong một quý, Mỹ nhập gần 600 tấn vàng, tương
đương 13% lượng vàng được cho là đang cất tại Fort Knox.
Thông thường, giao dịch vàng quốc tế chủ yếu là các hợp đồng
giấy và giao dịch điện tử. Nhưng hiện tại, vàng vật chất đang được vận chuyển bằng
đường biển tới các kho dự trữ của Mỹ. Đây không còn là diễn biến thị trường
thông thường mà còn là dấu hiệu cho một bước đi chiến lược quy mô lớn.
Ngay cả ông Trump cũng từng đề xuất kiểm tra kho vàng
Fort Knox, làm dấy lên những nghi ngờ (dù chưa có bằng chứng) về tình trạng thực
sự của kho vàng quốc gia. Bộ Tài chính Mỹ khẳng định không có thay đổi nào đáng
kể về dự trữ trong nhiều năm. Năm 2017, các quan chức liên bang đã trực tiếp thị
sát Fort Knox và xác nhận số vàng vẫn còn nguyên.
Tại sao là vàng? Bởi khi hệ thống tài chính toàn cầu bước
vào giai đoạn tái cấu trúc, vàng luôn là tài sản cuối cùng đứng vững. Đồng tiền
pháp định có thể bị pha loãng, tái cơ cấu hoặc mất giá nhưng vàng là tài sản thực,
không thể in thêm.
Ray Dalio – nhà sáng lập quỹ đầu cơ Bridgewater – gọi đây
là “giai đoạn cuối của chu kỳ nợ lớn”. Với chu kỳ Bretton Woods đã kéo dài 81
năm (trung bình chỉ 50–75 năm), giới đầu tư đang chuẩn bị cho một cuộc tái cấu
trúc hệ thống tiền tệ toàn cầu.
Khi tiền giấy mất giá, người sở hữu vàng sẽ viết lại luật
chơi. Đây không phải thuyết âm mưu, mà là logic lịch sử. Từ La Mã cổ đại đến hệ
thống Bretton Woods, vàng luôn định nghĩa lại giá trị tiền tệ.
Trong khi Trung Quốc và Nga âm thầm gom vàng, Mỹ từng xem
nhẹ tài sản này – cho đến khi Washington nhận ra những rủi ro hệ thống và bắt đầu
yêu cầu vận chuyển hàng tấn vàng vật chất vào kho.
Theo giới phân tích, thông điệp dành cho nhà đầu tư rất
rõ ràng: Đừng chỉ nhìn vào cổ phiếu công nghệ, trái phiếu hay những lời hứa tài
chính. Vàng tăng giá không vì nó “lấp lánh” mà vì những người quyền lực nhất
đang mua vào với quy mô lớn. Nếu các ngân hàng trung ương – vốn thận trọng bậc
nhất – còn tích trữ vàng thì nhà đầu tư cá nhân càng nên cân nhắc.
NSTT