Xuất khẩu tăng tốc

Theo số liệu từ Cục Hải quan, trong tháng 4, xuất khẩu cà phê  của Việt Nam đạt 166.606 tấn với kim ngạch thu về hơn 965,8 triệu USD, tăng 11% về lượng và tăng mạnh 68,6% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái.

Tính chung 4 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 665.889 tấn cà phê các loại, giảm 9,4% so với cùng kỳ năm 2024. Tuy nhiên, kim ngạch thu về vẫn tăng mạnh 51,8% lên mức kỷ lục 3,8 tỷ USD, do giá xuất khẩu bình quân tăng tới 67,6%, đạt 5.700 USD/tấn.

Tính rêng trong tháng 4, giá xuất khẩu mặt hàng này đạt 5.797 USD/tấn, giảm 1,3% so với tháng trước nhưng vẫn tăng 52% so với cùng kỳ năm 2024.

 

Trong 4 tháng đầu năm, năm thị trường xuất khẩu cà phê lớn nhất của Việt Nam bao gồm: Liên minh châu Âu (EU), Mỹ, Nhật Bản, Nga và Algeria.

Trong đó, EU tiếp tục dẫn đầu với khối lượng đạt 301.622 tấn, kim ngạch 1,7 tỷ USD, tăng nhẹ 0,2% về lượng và tăng mạnh 69,6% về trị giá so với cùng kỳ năm trước, chiếm 45,3% về lượng và 44,9% tổng kim ngạch xuất khẩu.

Các thị trường xuất khẩu chủ lực trong khu vực gồm: Đức, Italy và Tây Ban Nha, với kim ngạch đạt 628,1 triệu USD, 307,6 triệu USD và 292,5 triệu USD, tăng lần lượt 97,6%, 33,8% và 51,4% so với cùng kỳ.

Tính riêng trong tháng 4 lượng cà phê xuất khẩu sang EU đạt 75.575 tấn, tăng mạnh 27,9% so với cùng kỳ năm trước.

Đáng chú ý, lượng cà phê xuất khẩu sang thị trường lớn thứ hai là Mỹ cũng tăng mạnh 21% so với cùng kỳ, lên mức 10.173 tấn trong tháng 4.

Tính chung 4 tháng đầu năm, xuất khẩu cà phê sang thị trường Mỹ đạt 42.568 tấn, trị giá 236,8 triệu USD, giảm 6,8% về lượng nhưng tăng 56,8% về trị giá so với cùng kỳ năm 2024.

Ngoài ra, xuất khẩu cà phê sang các thị trường lớn khác như Nhật Bản, Nga và Trung Quốc tuy giảm về sản lượng, nhưng kim ngạch thu về vẫn tăng trưởng hai con số, nhờ giá cà phê xuất khẩu duy trì ở mức cao.

 

Theo dự báo của Cục Xuất nhập khẩu  (Bộ Công Thương), xuất khẩu cà phê của Việt Nam ngắn hạn sẽ tiếp tục tăng trưởng, cùng với việc Mỹ hoãn thực thi thuế đối ứng đối với hầu hết đối tác, thúc đẩy các nhà nhập khẩu tăng mua vào trước khi thuế quan mới có hiệu lực.

Trong dài hạn, xuất khẩu cà phê của Việt Nam sẽ gặp khó khăn khi nguồn cung trong nước đang giảm dần khi vào cuối vụ thu hoạch, áp lực từ vụ thu hoạch mới của Brazil sắp diễn ra và chính sách thuế quan mới.

Giá cà phê có dấu hiệu hạ nhiệt

Trong phiên giao dịch kết thúc ngày 14/5, giá cà phê tại thị trường nội địa Việt Nam dao động trong khoảng 128.000 – 128.500 đồng/kg, tăng 2.400 - 2.500 đồng/kg so với mức đáy một tháng ghi nhận vào ngày hôm trước, nhưng vẫn thấp hơn từ 2.200 - 2.300 đồng/kg so với cuối tháng 4.

Cục Xuất nhập khẩu cho biết, đầu tháng 5, lượng cà phê tồn kho trong nước không nhiều, người dân bán ra cầm chừng. Tuy nhiên, giá cà phê trong nước vẫn chịu áp lực giảm của thị trường thế giới.

Trên Sàn giao dịch London, giá cà phê robusta hợp đồng giao tháng 7/2025 đóng cửa phiên giao dịch ngày 14/5 ở mức 5.129 USD/tấn, giảm 3,2% so với cuối tháng trước.

Tương tự, giá cà phê arabica giao tháng 7/2025 trên Sàn New York giảm 6,3%, xuống còn 376,3 US cent/pound.


Các nhà giao dịch cho biết đợt giảm gần đây đã mang đến triển vọng tiêu cực hơn trên biểu đồ giá, khiến các quỹ bắt đầu cắt giảm vị thế mua ròng.

Triển vọng mùa vụ được cải thiện tại Brazil, quốc gia sản xuất cà phê hàng đầu thế giới, đã khiến thị trường chuyển sang thế phòng thủ, theo Reuters.

Mới đây, công ty tư vấn Safras & Mercado đã nâng dự báo sản lượng cà phê Brazil niên vụ 2025-2026 lên 65,51 triệu bao, từ mức ước tính trước đó là 62,45 triệu bao, nhờ điều kiện thời tiết thuận lợi hơn.

Cơ quan Cung ứng Mùa vụ Brazil (Conab) cũng điều chỉnh tăng dự báo sản lượng cà phê năm 2025 của Brazil lên 55,7 triệu bao, từ mức 51,81 triệu bao được đưa ra hồi tháng 1. Dự báo mới này cũng cao hơn 2,7% so với vụ mùa năm 2024 và đánh dấu mức cao nhất từ trước tới nay đối với một “năm mất mùa” trong chu kỳ cà phê arabica hai năm một lần.

Giá cà phê cũng chịu sức ép bởi tình hình tồn kho toàn cầu cũng đang dần cải thiện. Tính đến ngày 13/5, tồn kho cà phê robusta do ICE giám sát đã tăng lên 4.557 lô – mức cao nhất trong vòng 3 tháng rưỡi. Trong khi đó, tồn kho cà phê arabica chạm mức cao nhất trong gần 3 tháng, đạt 844.473 bao vào ngày 7/5.

Ngoài ra, có dấu hiệu cho thấy nguồn cung cà phê toàn cầu gia tăng. Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) nâng dự báo sản lượng cà phê niên vụ 2025-2026 của Honduras, quốc gia sản xuất cà phê lớn nhất Trung Mỹ, lên mức 5,8 triệu bao, tăng 5,1% so với niên vụ trước.

Còn tại Uganda, sản lượng cà phê trong niên vụ 2025-2026 dự kiến đạt 6,87 triệu bao, tăng 2,6% so với niên vụ hiện tại.

Nhiều nhà nhập khẩu hàng hóa lớn trên toàn cầu, bao gồm Starbucks, Hershey và Mondelez International, lo ngại mức thuế cơ bản 10% mà Mỹ áp dụng đối với hàng nhập khẩu sẽ làm tăng giá và tiếp tục gây áp lực lên khối lượng bán hàng.

Mặc dù vậy, giá cà phê vẫn được hỗ trợ bởi đồng Real Brazil tăng lên mức cao nhất trong 5 tuần đã thúc đẩy hoạt động mua bù thiếu trên thị trường cà phê kỳ hạn. Việc đồng Real mạnh hơn làm giảm động lực bán ra xuất khẩu từ các nhà sản xuất cà phê Brazil.

Theo Hiệp hội Các nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (Cecafé), xuất khẩu cà phê xanh của Brazil trong tháng 4 đã giảm 29,1% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 2,78 triệu bao. Trong đó, lượng cà phê arabica xuất khẩu giảm 17,4%, còn 2,68 triệu bao; trong khi robusta lao dốc xuống chỉ còn 103.577 bao, giảm 84,9%.

Trong báo cáo mới nhất của Tổ chức Cà phê Quốc tế (ICO), cơ quan này nhận định những diễn biến gần đây cho thấy giá cà phê đang trong giai đoạn dò tìm xu hướng, khi cả các yếu tố hỗ trợ tăng giá và áp lực giảm giá đều đang tác động đến thị trường.

VNB