Quy hoạch 14 khu công nghiệp mới
Mới đây, Ban Quản lý các Khu
chế xuất và công nghiệp TP. HCM (HEPZA) chủ trì, phối hợp với UBND huyện Bình
Chánh tổ chức Hội nghị công bố quy hoạch các khu công nghiệp TP. HCM thời kỳ
2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và giải pháp thu hút đầu tư năm 2025.
Theo quy hoạch, trong giai đoạn
phát triển mới, TP. HCM định hướng giữ lại toàn bộ quỹ đất công nghiệp hiện hữu
nhưng định hướng chuyển đổi các khu này sang các mô hình tiên tiến như KCN sinh
thái, công nghệ cao, khu công nghiệp – đô thị– dịch vụ và trung tâm logistics.
Hiện HEPZA đang phối hợp các
công ty hạ tầng thí điểm chuyển đổi 5 khu chế xuất, khu công nghiệp gồm: Tân
Thuận, Hiệp Phước, Tân Bình, Cát Lái và Bình Chiểu, với định hướng chuyển sang
khu công nghiệp công nghệ cao, khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp – đô
thị - dịch vụ và trung tâm logistics.
Đặc biệt, trong giai đoạn 2021-2030, TP. HCM quy hoạch bổ sung 14 KCN mới với tổng diện tích 3.833ha, gồm: bao gồm KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 (500ha), KCN Vĩnh Lộc 3 (200ha), KCN Phạm Văn Hai I (379ha), KCN Phạm Văn Hai II (289ha), KCN An Phú (328ha), KCN Nhị Xuân (199ha), KCN Phạm Văn Hai III (238ha), KCN Lê Minh Xuân 4 (200ha), KCN Trung An (300ha), KCN Tân Phú Trung 2, KCN Tân Phú Trung 3 và KCN Tân Phú Trung 4 (3 KCN này có tổng diện tích 600ha), KCN Bình Khánh 1 (300ha) và KCN Bình Khánh 2 (300ha).
HEPZA dự kiến tiến độ triển
khai 14 khu công nghiệp mới được phân kỳ theo 3 giai đoạn. Trong giai đoạn 2025
- 2027, đầu tư 4 khu công nghiệp Phạm Văn Hai I, Phạm Văn Hai II, Vĩnh Lộc 3 và
Nhị Xuân; giai đoạn 2027 - 2030, đầu tư 5 khu công nghiệp An Phú, Trung An, Lê
Minh Xuân 4, Phạm Văn Hai III và Hiệp Phước 3; giai đoạn 2030 - 2033 đầu tư
thêm 5 khu công nghiệp gồm Tân Phú Trung 2, Tân Phú Trung 3, Tân Phú Trung 4,
Bình Khánh 1 và Bình Khánh 2.
Theo Quyết định 1711 được ban
hành cuối năm 2024, TP. HCM hiện có 36 khu chế xuất và khu công nghiệp đã được
quy hoạch với tổng diện tích 8.369 ha. Con số này bao gồm cả các khu đang hoạt
động và các khu mới được quy hoạch cho giai đoạn 2021–2030.
Sẽ có chính sách hỗ trợ lãi suất
Trong 14 KCN dự kiến bổ sung
vào quy hoạch chỉ có KCN Hiệp Phước giai đoạn 3 có quy mô lớn (500ha), còn lại
phần lớn dao động từ 100-300ha. Con số này, theo đánh giá từ các chủ đầu tư là
khá nhỏ để thu hút vốn, đặc biệt trong bối cảnh suất đầu tư ngày càng tăng.
Đại diện doanh nghiệp phân
tích, khi phát triển KCN theo mô hình sinh thái hoặc công nghệ cao, chỉ riêng
phần đất dành cho cây xanh, hạ tầng kỹ thuật, tiện ích xã hội đã chiếm 20 - 30%
quỹ đất. Như vậy, với quy mô khu chỉ 200 - 300ha, phần còn lại để triển khai
nhà máy sẽ không còn bao nhiêu, trong khi chi phí đầu tư và vận hành thì không
hề nhỏ.
Tại hội nghị, đại diện các
công ty hạ tầng cho rằng các KCN cần phải đảm bảo điện, nước, và khu dân cư, bệnh
viện, trường học phục vụ cho chuyên gia, người lao động.
Bên cạnh đó, ban quản lý cần
giải đáp thường xuyên những thắc mắc của doanh nghiệp trong quá trình tìm hiểu
vì doanh nghiệp nước ngoài rất quan tâm.
Theo Hiệp hội Doanh nghiệp TP.
HCM (HUBA), cần sớm có bộ tiêu chí rõ ràng để phân loại ngành nghề, xác định ưu
đãi khi vào các KCN và minh định vai trò của các đơn vị quản lý như ban quản lý
các khu.
Thực tế hiện nay có nơi doanh
nghiệp hỏi thì ban quản lý bảo "hỏi UBND", trong khi chính các đơn vị
này nên đóng vai trò cầu nối đầu tiên. Đồng thời, không nên chỉ tập trung thu
hút các ngành công nghệ cao mà bỏ qua các ngành sản xuất truyền thống có giá trị
gia tăng cao, nhờ quá trình hợp tác, cải tiến liên tục trong sản xuất và xây dựng
thương hiệu.
Về nguồn vốn, theo ông Nguyễn
Quang Thanh, Phó tổng giám đốc Công ty đầu tư tài chính nhà nước TP. HCM cho biết
thành phố có chính sách hỗ trợ lãi suất một số lĩnh vực ưu tiên khoản vay trị
giá 200 tỷ đồng trở xuống, thời gian ưu đãi 7 năm. Các doanh nghiệp ở Khu Công
nghệ cao TP. HCM, khu công viên phần mềm Quang Trung và các khu công nghiệp
hoàn toàn có thể tiếp cận chính sách này.
VNF