Hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập)
Trước năm
1975, hội trường còn có tên là dinh Độc Lập - là nơi làm việc của chính quyền
Sài Gòn cũ. Được xây dựng từ năm 1962 do kiến trúc sư Ngô Viết Thụ, người đoạt
giải Khôi nguyên La mã thiết kế, dinh Độc Lập không chỉ là một toà nhà công quyền
mà còn in dấu ấn bởi lối kiến trúc độc đáo vừa hiện đại nhưng cũng mang đậm nét
văn hoá của các ngôi nhà Việt Nam. 11h ngày 30/4/1975, chiếc xe tăng 390 của
quân Giải phóng đã húc sập cánh cổng dinh, đánh dấu mốc kết thúc cuộc chiến tại
Sài Gòn.
Hội trường Thống Nhất (dinh Độc Lập)
Hiện nay
dinh Độc Lập là điểm đến được rất nhiều du khách lựa chọn. Dinh Độc Lập được
công nhận là Di tích lịch sử văn hóa quốc gia đặc biệt vào năm 2009.
Địa đạo Củ Chi
Nằm cách
Trung tâm TPHCM khoảng 60 km, địa đạo Củ Chi có hệ thống đường hầm nhiều tầng
dài hơn 250km được xây dựng trong những năm kháng chiến chống Mỹ. Trước 1975, địa
đạo Củ Chi là nơi đóng quân của hàng vạn chiến sĩ du kích, là đại bản doanh của
Bộ Chỉ huy Quân khu Sài Gòn-Gia Định. Địa đạo Củ Chi được mệnh danh là "đất
thép" vì tinh thần và ý chí phòng thủ kiên cường của quân dân nơi đây.
Du khách đi thăm địa đạo Củ Chi
Sau chiến
tranh, khu địa đạo Củ Chi trở thành di tích lịch sử cấp quốc gia. Năm 2015, khu
di tích lịch sử địa đạo Củ Chi đón nhận danh hiệu Anh hùng lao động vì những
thành tích đặc biệt xuất sắc trong lao động, sáng tạo.
Cũng như
dinh Độc Lập, địa đạo Củ Chi cũng được công nhận là Di tích lịch sử quốc gia đặc
biệt năm 2015.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Bảo tàng
Chứng tích Chiến tranh là nơi lưu giữ các hiện vật, hình ảnh và tư liệu quý giá
về cuộc kháng chiến chống Mỹ, phản ánh chân thực về chiến tranh và khát vọng
hòa bình của dân tộc Việt Nam.
Máy bay Mỹ được trưng bày tại Bảo tàng Chứng tích chiến tranh
Bảo tàng
hiện lưu giữ hơn 20.000 tài liệu, hiện vật và phim ảnh, trong đó hơn 1.500 tài
liệu, hiện vật, phim ảnh đã được đưa vào giới thiệu ở 8 chuyên đề và trưng bày
thường xuyên. Thông qua đó, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh tuyên truyền về
tinh thần đấu tranh bảo vệ độc lập tự do của Tổ quốc, về ý thức chống chiến
tranh xâm lược, bảo vệ hòa bình và tinh thần đoàn kết hữu nghị giữa các dân tộc
trên thế giới.
Bảo tàng
Chứng tích chiến tranh hiện là thành viên của hệ thống Bảo tàng vì hòa bình thế
giới và Hội đồng các bảo tàng thế giới (ICOM).
Bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh
Bến Nhà Rồng
là nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước trên con tàu Amiral Latouche Tréville
vào năm 1911. Từ chuyến đi này, Bác đã đến với nhiều quốc gia thuộc địa cũng
như các quốc gia đang phát triển để tìm hiểu, nghiên cứu và tìm ra con đường đấu
tranh giải phóng dân tộc.
Bến Nhà Rồng và Bảo tàng Hồ Chí Minh (chi nhánh TPHCM)
Sau năm
1975, toà nhà trụ sở Bến Nhà Rồng đã được chọn là Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi
nhánh TPHCM). Tại đây hiện trưng bày nhiều hiện vật, tư liệu quý giá về cuộc đời
và sự nghiệp của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Bảo tàng Biệt động Sài Gòn- Gia Định
Bảo tàng
Biệt động Sài Gòn - Gia Định có trụ sở chính tại số 145 Trần Quang Khải (phường
Tân Định, quận 1). Đây là bảo tàng duy nhất ở Việt Nam về lực lượng Biệt động
Sài Gòn - Gia Định và nơi trưng bày các hiện vật của bảo tàng cũng chính là di
tích của lực lượng Biệt động sài Gòn - Gia Định năm xưa.
Nơi đây hiện
sở hữu các bộ sưu tập hiện vật quý giá gắn liền với lực lượng Biệt động như:
Các hầm bí mật chứa vũ khí, ém quân; Những chiếc xe các chiến sĩ Biệt động đã
dùng để đi lại, hoạt động; Vũ khí, vật dụng sinh hoạt gắn liền với quá trình hoạt
động của lực lượng Biệt động Sài Gòn; các thiết bị thông tin liên lạc…
Du khách thăm quán cà phê Đỗ Phủ thuộc Bảo tàng Biệt động Sài Gòn
Ngoài trụ
sở tại đường Trần Quang Khải, Bảo tàng Biệt động Sài Gòn còn có một số địa chỉ
khác như "Garage biệt động Sài Gòn” (số 499/20, đường Cách Mạng Tháng Tám,
quận 10), "Căn hầm bí mật" chứa hơn 2 tấn vũ khí dành cho cuộc Tổng
tiến công Tết Mậu Thân (số 287/70 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3), "Quán
cà phê Đỗ Phủ" nơi che giấu các chiến sĩ biệt động (số 113A Đặng Dung, quận
1)… Đây là những nơi còn in đậm dấu tích các cuộc đấu tranh của các chiến sĩ Biệt
động Sài Gòn - Gia Định năm xưa
Chiến khu Rừng Sác
Rừng Sác nằm
trên địa bàn huyện Cần Giờ và và cách trung tâm TPHCM khoảng 50 km nhưng với địa
thế hiểm trở như rừng ngập mặn, nhiều sình lầy và có hệ thống sông ngòi chằng
chịt. Trước năm 1975, Rừng Sác là căn cứ địa chiến lược của Trung đoàn 10 Đặc
công. Từ nơi đây, với nhiệm vụ tiến công liên tục vào kho, bến cảng, cơ quan đầu
não, sào huyệt bộ máy của Mỹ… của đặc công Rừng Sác đã làm nên những trận đánh
lịch sử khiến quân địch phải khiếp sợ...
Tượng các chiến sĩ Đặc công trong khu Chiến khu Rừng Sác
Sau 1975,
lực lượng TNXP TPHCM đã biến Rừng Sác thành “lá phổi xanh” của TPHCM, được
UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Vì thế, ngoài những dấu ấn
lịch sử của đặc công Rừng Sác còn được lưu giữ thì nơi đây còn là điểm đến lý
tưởng cho những ai yêu thiên nhiên, đam mê khám phá, tìm hiểu về những trang sử
vàng của dân tộc.
Khu tưởng niệm Ngã ba Giồng
Ngày
23/11/1940, khu vực Ngã ba Giồng đã diễn ra sự kiện nhân dân Hóc Môn cùng với
những người dân Chợ Lớn, Gia Định, Sài Gòn đứng lên đấu tranh để làm nên Khởi
nghĩa Nam kỳ.
Bia tưởng niệm tại Ngã ba Giồng
Với những
giá trị lịch sử trong các cuộc đấu tranh cách mạng, năm 2005 Khu Tưởng niệm liệt
sĩ Ngã Ba Giồng được khởi công xây dựng lại trên tổng diện tích quy hoạch hơn
73.000 m2. Trong đó bao các công trình chính như: Đền thờ, nhà truyền thống, quảng
trường, các cụm tượng đài, hệ thống cây xanh, hồ phun nước, sảnh chính…
Hiện nay,
nơi đây là khu tưởng niệm lịch sử của Đảng bộ và nhân dân Sài Gòn - Gia Định
trong hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm. Khu di tích hiện đang lưu trữ những
hiện vật, hình ảnh lịch sử về những con người, vùng đất của cuộc đấu tranh năm
xưa.
Khu truyền thống Mậu Thân
Khu truyền
thống Mậu Thân nằm trong tổng thể khu di tích Láng Le - Bàu Cò (huyện Bình
Chánh- TPHCM) là một trong những "địa chỉ đỏ" thiêng liêng để tưởng
niệm, tri ân cán bộ, chiến sĩ, đồng bào đã hi sinh trong cuộc Tổng tiến công và
nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968.
Khu truyền thống Mậu Thân
Được khánh
thành và đưa vào sử dụng từ tháng 10/2020, Khu truyền thống Mậu Thân rộng 12ha
là nơi là nơi lưu giữ, trưng bày các hiện vật, tài liệu, phim ảnh… về cuộc Tổng
tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 tại Sài Gòn.
Khu truyền
thống còn có nhiều hạng mục như bức tường phù điêu, hộp hình ảnh, đài tưởng niệm
… nhằm tái hiện lại cuộc chiến hào hùng và anh dũng của quân và dân trong Tết Mậu
Thân. Trong đó bức tường phù điêu được đúc bằng đồng đỏ, cao 9m, dài 90m, tái
hiện lại toàn bộ những trận đánh vào các cơ quan đầu não của địch ở Sài Gòn qua
các đợt tấn công.
Bên cạnh
đó là đài tưởng niệm với hình ảnh ngọn lửa yêu nước luôn bùng cháy và toả sáng
những khí thế, tinh thần của quân và dân ta trong cuộc chiến đấu với kẻ thù,
giành lại độc lập cho dân tộc Việt Nam.
TPO