Ghi nhận tại các nhà vườn ở Bến Tre, Tiền Giang - vùng trồng mít lớn nhất cả nước - cho thấy hàng loại 1 (8-12 kg mỗi trái) hiện có giá bán 10.000 đồng một kg, trong khi loại 2, 3 (dưới 8 kg) chỉ từ 4.000 đến 6.000 đồng một kg.
Ông Hùng, nông dân sở hữu 40 gốc mít Thái tại Tiền
Giang, cho biết vừa bán 3 tấn với giá 5.000-8.000 đồng một kg, thấp hơn giá
thành sản xuất. "Nếu giá mít ở mức thấp kéo dài, năm nay gia đình tôi lỗ
nặng", ông nói.
Theo ông Hùng, chi phí sản xuất một kg mít hiện nay
dao động 9.000 đến 12.000 đồng, do giá phân bón và nhân công tăng cao. Không chỉ
vậy, thương lái cũng ngày càng khắt khe khi lựa hàng. Họ chỉ chọn trái đẹp,
tròn, đủ ký mới mua với giá tốt để xuất khẩu, còn lại bị xếp loại thấp và bán rẻ
cho thị trường nội địa.
Các đầu mối bán sỉ trên chợ online hay truyền thống
cũng rao bán mít với giá khoảng 6.000 đồng một kg. Trong khi đó, giá bán lẻ tại
các chợ truyền thống dao động 14.000-20.000 đồng một kg, tùy loại.
Tương tự, giá mít ruột đỏ hiện cũng giảm mạnh. Loại 1
được bán quanh mức 24.000 đồng một kg; loại 2 là 14.000 đồng và loại 3 chỉ còn
5.000 đồng - mức thấp nhất từ trước tới nay.
Theo ông Đình Sáng, thương lái chuyên thu mua mít ở miền
Tây, đợt rớt giá lần này do nhiều nguyên nhân cộng hưởng: nguồn cung đang vào
mùa cao điểm, trong khi đầu ra gặp khó. Xuất khẩu mít sang Trung Quốc diễn biến
thất thường, còn thị trường nội địa lại chịu sự cạnh tranh khốc liệt từ nhiều
loại trái cây đang vào vụ như dưa hấu, vải, xoài, măng cụt...
Hiện vùng Đồng bằng sông Cửu Long có hơn 30.000 ha trồng
mít Thái, trong đó riêng Tiền Giang chiếm hơn một nửa với 15.800 ha, sản lượng
đạt 332.000 tấn. Tuy nhiên, xuất khẩu mít đang có xu hướng giảm. Trong quý I
năm nay, kim ngạch xuất khẩu mít đạt hơn 70 triệu USD, giảm 13% so với cùng kỳ
năm ngoái. Trung Quốc vẫn là thị trường lớn nhất, song ngày càng siết chặt các
tiêu chuẩn về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật và chất cấm, khiến đầu ra bấp
bênh.