Sáng 19/4, tại điểm cầu trung tâm Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì lễ khởi công, khánh thành các công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn nhân dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30/4/1975 - 30/4/2025).
Dự sự kiện
tại các điểm cầu có các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị: nguyên Chủ tịch
nước Nguyễn Minh Triết, nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang, nguyên Thường trực
Ban Bí thư Lê Hồng Anh; các đồng chí Uỷ viên Bộ Chính trị: Phó Thủ tướng Thường
trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình, Đại tướng Phan Văn Giang, Bộ trưởng Bộ Quốc
phòng, Đại tướng Lương Tam Quang, Bộ trưởng Bộ Công an, Bí thư Thành uỷ TPHCM
Nguyễn Văn Nên; các đồng chí nguyên Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Trung
ương Đảng; các đồng chí Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ, lãnh
đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, lãnh đạo các tỉnh, thành phố trực thuộc
Trung ương.
Lễ khởi
công, khánh thành được tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, với
hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến đồng thời trên cả 3 miền Bắc - Trung –
Nam, kết nối trực tuyến từ điểm cầu chính TPHCM đến tất cả các công trình, dự
án.
Theo tổng
hợp từ báo cáo của các bộ, ngành và địa phương, có 80 dự án được tổ chức khởi
công, khánh thành trong dịp này, với tổng vốn đầu tư khoảng 445.000 tỷ đồng,
trong đó tổng vốn khởi công 305.000 tỷ đồng, tổng vốn các dự án khánh là
140.000 tỷ đồng. Vốn ngân sách nhà nước là 185.000 tỷ đồng; vốn ngoài ngân sách
là 260.000 tỷ đồng.
Trong đó,
có 40 dự án thuộc lĩnh vực giao thông; 12 dự án xây dựng công nghiệp và dân dụng,
12 dự án giáo dục, 9 dự án văn hóa xã hội, 5 dự án y tế cộng đồng và 2 dự án
công trình thủy lợi.
Thủ tướng kỳ vọng, đây sẽ là những công trình quan trọng, những công
trình có tính "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc
lập - Hòa bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh
vượng" trên bản đồ thế giới
Nhìn lại để
tiến xa hơn, trở nên mạnh mẽ và kiêu hãnh hơn
Phát biểu
tại buổi lễ, với tinh thần "thần tốc, táo bạo" của những ngày tháng
Tư lịch sử năm 1975, Thủ tướng chính thức tuyên bố khởi công, khánh thành 80
công trình, dự án trọng điểm quốc gia và các công trình lớn, quan trọng của
Trung ương và các địa phương trên cả nước trong năm 2025.
Thủ tướng nêu rõ, khát vọng độc lập, tự do, hòa bình của cả dân tộc ta đã trở thành hiện thực với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử và Đại thắng mùa Xuân năm 1975 cách đây 50 năm, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước; đã làm cho mọi người, mọi nhà thỏa lòng mong ước sau nhiều năm kháng chiến, kiến quốc anh dũng mà kiên cường; hy sinh, mất mát nhưng đầy kiêu hãnh và tự hào.
Chặng đường
50 năm thống nhất đất nước không chỉ là hành trình để chúng ta ghi nhớ những
trang sử hào hùng của dân tộc, chiêm nghiệm những bài học kinh nghiệm, mà còn
ghi lại quá trình phấn đấu xây dựng và phát triển đất nước, nhìn lại để tiến xa
hơn, nhìn lại để trở nên mạnh mẽ và kiêu hãnh hơn, cùng hướng tới tương lai với
hào khí, niềm tin và động lực mãnh liệt, sắt son, tiếp tục hoàn thành sứ mệnh lịch
sử trong kỷ nguyên mới, kỷ nguyên vươn mình giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng của
đất nước ta.
Hành trình
50 năm qua, dưới ngọn cờ vẻ vang 95 năm của Đảng, 80 năm xây dựng và bảo vệ đất
nước, đã chứng minh "Đảng ta không ngừng trưởng thành và càng trở nên vĩ đại
hơn, đất nước ta không ngừng lớn mạnh, giàu đẹp và tự cường, đời sống vật chất,
tinh thần của nhân dân không ngừng được nâng cao", ngày càng khẳng định
chúng ta đã đạt được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, "đất nước
ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày
nay".
Nghị quyết
Đại hội XIII của Đảng đã chỉ rõ mục tiêu: "Đến năm 2025, kỷ niệm 50 năm giải
phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước: Là nước đang phát triển, có công
nghiệp theo hướng hiện đại, vượt qua mức thu nhập trung bình thấp". Và để
đạt mục tiêu đó, một trong 3 đột phá chiến lược được xác định là "Xây dựng
hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại cả về kinh tế và xã hội; ưu tiên
phát triển một số công trình trọng điểm quốc gia về giao thông, thích ứng với
biến đổi khí hậu; chú trọng phát triển hạ tầng thông tin, viễn thông, tạo nền tảng
chuyển đổi số quốc gia, từng bước phát triển kinh tế số, xã hội số".
Thủ tướng
cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ này, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo
các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai thực hiện Nghị quyết Đại
hội XIII của Đảng, nhất là phấn đấu thực hiện thành công 2 mục tiêu chiến lược
100 năm.
Chúng ta
ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, quyết tâm
thúc đẩy tăng trưởng kinh tế đạt trên 8% trong năm 2025 và tạo đà, tạo lực, tạo
thế để tăng trưởng kinh tế hai con số trong những năm tiếp theo; tập trung sắp
xếp, tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, sắp xếp đơn vị hành chính và tổ chức
chính quyền địa phương 2 cấp; đẩy mạnh phát triển khoa học công nghệ, đổi mới
sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn; chủ động, tích cực
hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất và hiệu quả; phát triển kinh tế tư nhân là
một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế quốc gia.
Đảng ta
xác định, một trong những giải pháp quan trọng để thực hiện các nhiệm vụ nêu
trên là phải tập trung nguồn lực, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
chiến lược đồng bộ, hiện đại, lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, kích hoạt và
khơi thông mọi nguồn lực để phát triển đất nước.
Thực hiện
chủ trương của Đảng, thời gian qua, Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã
quyết liệt chỉ đạo, tập trung các nguồn lực, tháo gỡ mọi nút thắt, hóa giải mọi
khó khăn, điểm nghẽn, vượt qua mọi thách thức để hoàn thành sớm các dự án trọng
điểm ngay trong năm 2025 như: Cơ bản hoàn thành Cảng hàng không quốc tế Long
Thành giai đoạn I; Nhà ga T3 Nội Bài; Sân bay Gia Bình (Bắc Ninh); Trung tâm
triển lãm quốc gia Hà Nội; hoàn thành, đưa vào khai thác trên 3.000 km đường bộ
cao tốc trải dài trên khắp các vùng miền của đất nước; cơ sở dữ liệu quốc gia,
hạ tầng số, hạ tầng xã hội, hạ tầng y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa…; tăng tốc
khởi công Dự án đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng, Đường cao tốc Hà Nội -
Vientiane, Cao tốc Nam Định - Thái Bình - Hải Phòng, Cao tốc Gia Nghĩa (Đắk
Nông) - Chơn Thành (Bình Phước); Cảng biển Hòn Khoai (Cà Mau), Cần Giờ, Liên
Chiểu; dự kiến khởi công Tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam vào cuối năm
2026… Đây là những công trình mang tính chất "xoay chuyển tình thế, thay đổi
trạng thái" hạ tầng chiến lược của đất nước.
Thủ tướng Chính phủ và các đại biểu thực hiện nghi thức cắt băng khởi
công, khánh thành các công trình, dự án chào mừng 50 năm Ngày Giải phóng miền
Nam, thống nhất đất nước
Những công
trình "biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam
Thủ tướng
nhấn mạnh, hòa chung không khí phấn khởi của cả nước chuẩn bị chào mừng ngày lễ
lịch sử 50 năm Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, tri ân đồng bào, đồng
chí đã cống hiến, hy sinh vì sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội
chủ nghĩa thân yêu của chúng ta, Chính phủ tổ chức lễ khởi công, khánh thành trực
tuyến 80 dự án, công trình lớn, trọng điểm, trải dài 3 miền Bắc - Trung - Nam,
với tổng vốn đầu tư khoảng 450.000 tỷ đồng.
Trong đó, khánh thành 47 công trình với quy mô lớn, kỹ thuật phức tạp, đóng vai trò rất quan trọng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, như: 5 dự án đường bộ cao tốc với chiều dài 227 km hoàn thành/thông xe, nâng tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đưa vào khai thác đạt 2.268 km; hồ chứa nước Krong Pách Thượng (Đắk Lắk) phục vụ tưới tiêu cho trên 14.000 ha và cấp nước sinh hoạt cho hơn 100.000 hộ dân; Trung tâm Y tế Quân - Dân y huyện Côn Đảo, Bệnh viện đa khoa khu vực Hóc Môn và đưa vào sử dụng một số công trình giáo dục, y tế, văn hóa, thể thao...
Đặc biệt,
chúng ta rất vui mừng chứng kiến Nhà ga hành khách T3 Cảng hàng không quốc tế
Tân Sơn Nhất đã hoàn thành và đưa vào khai thác sử dụng đúng dịp lễ trọng đại của
đất nước, vượt tiến độ 2 tháng so với kế hoạch; mong muốn điều này sẽ tác động
tích cực tới tiến độ xây dựng sân bay quốc tế Long Thành để cơ bản hoàn thành dự
án này trong năm 2025.
Cùng với
đó, khởi công mới 33 công trình với quy mô lớn, có vai trò quan trọng trong
phát triển kinh tế - xã hội của các địa phương trong cả nước như: Nút giao khác
mức giữa đường vành đai 3,5 với Đại lộ Thăng Long, TP. Hà Nội; Dự án thành phần
1, 2 thuộc tuyến vành Đai II TPHCM; Nhà ga T2 Cảng hàng không Đồng Hới; nâng cấp
mở rộng Cảng hàng không Cà Mau; đường bộ cao tốc Ninh Bình - Hải Phòng; Trung
tâm thương mại AEON Hải Dương; Dự án đầu tư xây dựng Đại học Thái Nguyên bước
III; Bệnh viện đa khoa Cà Mau; kết cấu hạ tầng Khu công nghiệp Trần Đề; khu đô
thị lấn biển Cần Giờ (TPHCM); một số khu nhà ở xã hội, tái định cư tại các tỉnh
Vĩnh Phúc, Hà Nam, Long An, Vĩnh Long, Đồng Nai…
Theo Thủ tướng, các công trình trọng điểm kinh tế - xã hội được khởi công, khánh thành hôm nay trên khắp mọi miền đất nước đều là những dự án quan trọng, có ý nghĩa chiến lược, thể hiện ý chí, quyết tâm của Đảng, Nhà nước, các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp trong việc kiến tạo những không gian phát triển mới, tạo nền tảng để thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh - quốc phòng, không ngừng cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của người dân, là nền tảng vững chắc để đất nước tiến vào kỷ nguyên vươn mình phát triển mạnh mẽ.
Thủ tướng
kỳ vọng, đây sẽ là những công trình quan trọng, những công trình có tính
"biểu tượng" góp phần định vị hình ảnh Việt Nam "Độc lập - Hòa
bình - Thống nhất - Tự cường - Hạnh phúc - Ấm no - Văn minh - Thịnh vượng"
trên bản đồ thế giới và cuối cùng là mang lại lợi ích cho người dân, người dân
được thụ hưởng thành quả từ các công trình, dự án này.
Thủ tướng
đánh giá, việc khánh thành và khởi công các công trình hôm nay có ý nghĩa đặc
biệt quan trọng trên nhiều khía cạnh về cả kinh tế, chính trị, xã hội, an ninh
- quốc phòng và hội nhập quốc tế:
- Mang ý
nghĩa chiến lược, hiện thực hóa các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong phát
triển hạ tầng chiến lược toàn diện, bao trùm, khắc phục các điểm nghẽn về giao
thông, hạ tầng kinh tế - xã hội, tạo nền tảng và không gian phát triển mới về
kinh tế xã hội, bảo vệ an ninh - quốc phòng cho các địa phương, các vùng miền
và cả nước; là động lực quan trọng thúc đẩy tăng trưởng, phát triển đất nước
trong giai đoạn mới.
- Khơi dậy
và củng cố niềm tin, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc với quan điểm "Dân
là gốc" của Đảng, Nhà nước ta; sự chung sức, đồng lòng, sự vào cuộc của cả
hệ thống chính trị dưới sự lãnh đạo của Đảng mà đứng đầu là đồng chí Tổng Bí
thư.
- Khẳng định
giá trị văn hóa của Việt Nam "đã nói là làm, đã cam kết phải thực hiện, đã
làm, đã thực hiện là có kết quả cụ thể, đo lường, lượng hóa, cân đong đo đếm được",
góp phần tạo môi trường đầu tư, kinh doanh hấp dẫn đối với doanh nghiệp, người
dân, các nhà đầu tư trong và ngoài nước.
- Thể hiện
khát vọng, tự tin, bản lĩnh, giá trị cốt lõi con người Việt Nam, bản lĩnh kiên
cường với tinh thần "biến không thành có, biến khó thành dễ, biến không thể
thành có thể"; tinh thần đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, quyết
tâm vượt lên mạnh mẽ của đất nước và nhân dân ta.
- Tạo đột
phá về kết nối kinh tế, liên kết vùng, liên kết quốc gia, liên kết quốc tế; kết
nối rộng khắp, đồng bộ, toàn diện, nâng cao hiệu quả khai thác hạ tầng, thúc đẩy
phát triển kinh tế, tạo ra giá trị gia tăng của đất, rừng, sông, nước... góp phần
nâng cao đời sống tinh thần, vật chất của Nhân dân các vùng có dự án, nâng cao
năng lực cạnh tranh quốc gia.
- Đề cao
trách nhiệm, lòng yêu nước với sự nỗ lực vượt bậc, chủ động, tích cực, sáng tạo,
quyết liệt, làm việc không ngừng nghỉ của các chủ thể có liên quan, nhất là các
công nhân trên công trường.
6 bài học
kinh nghiệm lớn
Theo Thủ
tướng, với tinh thần "nguồn lực bắt nguồn từ tư duy, động lực bắt nguồn từ
sự đổi mới, sức mạnh bắt nguồn từ nhân dân", để có được những kết quả vừa
qua, chúng ta đã cùng nhau nỗ lực vượt qua rất nhiều khó khăn, trở ngại mà từ
đó có thể rút ra 6 bài học kinh nghiệm lớn trong việc thực hiện các mục tiêu
phát triển kinh tế - xã hội nói chung và phát triển hạ tầng chiến lược nói
riêng:
Một là, sự lãnh đạo đúng đắn của Đảng và sự chỉ đạo, điều hành sát sao của các cấp, các ngành, các địa phương với tinh thần: Nhìn xa trông rộng, nghĩ sâu làm lớn; tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, làm việc nào dứt việc đó, làm việc gì ra việc nấy.
Hai là, huy động sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, sức mạnh tổng hợp của cả hệ
thống chính trị với tinh thần "trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt",
tranh thủ sự ủng hộ, sự vào cuộc của nhân dân, doanh nghiệp. Với phương châm: Đảng
đã chỉ đạo, Chính phủ thống nhất, Quốc hội đồng tình, nhân dân ủng hộ, Tổ quốc
mong đợi thì chỉ bàn làm, không bàn lùi.
Ba là, tăng cường sự hiệp đồng, phối kết hợp giữa các lực lượng; giữa các cấp,
các ngành, các cơ quan, đơn vị, địa phương; giữa Nhà nước với nhân dân; giữa
doanh nghiệp Nhà nước với doanh nghiệp tư nhân bảo đảm khoa học, hiệu quả, phù
hợp và thống nhất. Mỗi chủ thể nỗ lực, cố gắng để cả nước cùng cố gắng với tinh
thần: "Cùng chia sẻ, lắng nghe, thấu hiểu, cùng làm, cùng hưởng, cùng thắng,
cùng phát triển và cùng có niềm vui, hạnh phúc và sự tự hào".
Bốn là, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao
năng lực thực thi cho các địa phương; đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát,
đôn đốc, động viên, phê bình xử lý, khen thưởng kịp thời, chính xác. Phát huy
tính tự lực, tự cường, tự tin vươn lên từ bàn tay khối óc của mình; dám nghĩ,
dám làm, chủ động, kịp thời, không trông chờ, ỷ lại. Cùng nhau thúc đẩy các
doanh nghiệp trong nước phát triển lớn mạnh, trưởng thành hơn, tự tin hơn trong
giai đoạn phát triển mới của đất nước.
Năm là, tập trung tháo gỡ các rào cản về thể chế, nỗ lực cắt bỏ thủ tục hành
chính rườm rà, tạo động lực, truyền cảm hứng, niềm tin cho các chủ thể có liên
quan. Trong quá trình tổ chức thực hiện, việc phân công bảo đảm 6 rõ: "rõ
người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ tiến độ, rõ sản phẩm, rõ thẩm quyền"; để
"dễ kiểm tra, dễ đánh giá, dễ đôn đốc".
Sáu là, trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện các công trình trọng điểm
của đất nước, xây dựng, phát động các phong trào thi đua yêu nước sôi nổi, khơi
dậy lòng tự hào dân tộc, tạo không khí hăng say làm việc, với tinh thần trách
nhiệm cao nhất "Tất cả vì lợi ích quốc gia, dân tộc, vì nhân dân, vì sự
phát triển của đất nước"; kịp thời động viên, khen thưởng, tuyên truyền,
khắc họa gương người tốt, việc tốt trên công trường, vận động người dân, tạo sự
đồng thuận, đồng lòng triển khai các dự án, công trình.
Thay mặt
Chính phủ, Thủ tướng trân trọng cảm ơn sự lãnh đạo của Đảng, sự đồng hành của
Quốc hội; tri ân các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đặc biệt
là cố Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư Tô Lâm; cảm ơn sự vào cuộc của
các cấp, các ngành, các địa phương; biểu dương và đánh giá cao sự nỗ lực, quyết
tâm toàn thể cán bộ, công chức, người lao động, công nhân, các chủ đầu tư, các
đơn vị tư vấn, các địa phương, các cơ quan báo chí ở cả 3 miền đất nước, đã
tích cực đổi mới tư duy, cách nghĩ cách làm, khắc phục các khó khăn, thời tiết
bất lợi, phát huy tinh thần "vượt nắng, thắng mưa, không thua bão
gió", làm việc "3 ca 4 kíp", "ăn tranh thủ, ngủ khẩn
trương", "làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết; làm ngày không
đủ tranh thủ làm đêm"…; huy động mọi nguồn lực, trang thiết bị, máy móc,
áp dụng những giải pháp kỹ thuật hiện đại để đưa các dự án vào vận hành, khai
thác trong thời gian qua và ngày hôm nay.
Thủ tướng
đặc biệt cảm ơn bà con nhân dân bị ảnh hưởng bởi các dự án, đã tình nguyện nhường
đất, dời nhà, di chuyển nơi ở, nơi thờ tự, nơi chôn cất, mồ mả để triển khai thực
hiện các dự án.
Thủ tướng tham quan khu vực kiểm tra an ninh tại Nhà ga T3 Cảng hàng
không quốc tế Tân Sơn Nhất
Những điểm
tựa, đòn bẩy để phát triển đất nước
Theo Thủ
tướng, việc khởi công, khánh thành các công trình, dự án hôm nay có vai trò, ý
nghĩa rất to lớn trong kết nối nội tỉnh, nội vùng; liên vùng, liên tỉnh, liên
quốc gia, liên quốc tế, thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội của các địa phương
nói riêng và của đất nước nói chung.
Với tinh
thần "đã cố gắng thì càng cố gắng hơn nữa; đã đoàn kết thì càng đoàn kết
hơn nữa; đã quyết tâm thì càng quyết tâm cao hơn nữa; đã hiệu quả rồi thì càng
hiệu quả hơn nữa" để phát huy hiệu quả đầu tư các dự án, Thủ tướng đề ra
các yêu cầu trong triển khai tổ chức thực hiện thời gian tới.
Đối với
các công trình, dự án khánh thành, các bộ, ngành, địa phương là cơ quan chủ quản
các dự án và các chủ đầu tư khẩn trương tổ chức vận hành, khai thác để phát huy
tối đa hiệu quả đầu tư.
Các địa
phương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị tiếp tục chăm lo đời sống vật chất, tinh thần
của người dân, nhất là những gia đình đã nhường đất cho dự án, bảo đảm người
dân có điều kiện sống tốt hơn, an cư lạc nghiệp; tận dụng tối đa lợi thế của
các dự án để quy hoạch và phát triển không gian mới nhằm thúc đẩy phát triển
kinh tế - xã hội của địa phương bao trùm, toàn diện; không để ai bị bỏ lại phía
sau.
Đối với
các công trình, dự án khởi công, chủ đầu tư và nhà thầu khẩn trương huy động
thiết bị, nhân lực để triển khai thi công ngay các dự án, phấn đấu hoàn thành
vượt tiến độ, bảo đảm chất lượng, không đội vốn, sớm đưa vào khai thác, phát
huy hiệu quả đầu tư.
Các địa
phương phải tập trung công tác giải phóng mặt bằng; hướng dẫn các chủ đầu tư,
nhà thầu giải quyết nhanh các thủ tục về mỏ vật liệu, đổ thải để chủ động triển
khai dự án đúng kế hoạch, mục tiêu.
Quá trình
triển khai dự án, Thủ tướng đề nghị thực hiện "3 có, 2 không", trong
đó "3 có" là có lợi ích của Nhà nước, có lợi ích của gười dân, có lợi
của doanh nghiệp; "2 không" không tham nhũng, tiêu cực và không để thất
thoát, lãng phí tài sản, công sức, tiền bạc của nhân dân.
Các địa
phương quan tâm hơn nữa đến công tác phát triển nhà ở xã hội; phấn đấu hiện thực
hóa chủ trương xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội trước năm 2030; cơ bản hoàn
thành chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát trong năm 2025 để mọi người dân đều
được hưởng niềm vui có nhà, có chỗ ở ổn định, khang trang, an cư lạc nghiệp sau
80 năm độc lập của dân tộc.
Thủ tướng
kêu gọi, mỗi cá nhân, mỗi chủ thể tham gia dự án luôn nâng cao ý thức trách nhiệm
với công việc, với ngành và cao hơn nữa là với nhân dân, với Tổ quốc; đổi mới
tư duy, cách nghĩ, cách làm để hoàn thành tốt nhiệm vụ góp phần triển khai các
dự án đúng tiến độ, bảo đảm chất lượng, an toàn và môi trường, với tinh thần
"tất cả vì hạnh phúc, ấm no của nhân dân, vì sự hùng cường, thịnh vượng của
đất nước".
Người đứng
đầu Chính phủ nhấn mạnh, việc hoàn thành các dự án hạ tầng chiến lược có ý
nghĩa rất quan trọng để chào mừng Đại hội Đảng bộ các cấp, tiến tới Đại hội Đảng
toàn quốc lần thứ XIV, cũng như các ngày lễ lớn, sự kiện trọng đại của đất nước
trong năm 2025 như kỷ niệm 95 năm Ngày thành lập Đảng, 50 năm Ngày Giải phóng
miền Nam, thống nhất đất nước, 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu,
80 năm Ngày truyền thống Công an Nhân dân, 80 năm Ngày thành lập nước… Đây sẽ
là những điểm tựa, đòn bẩy góp phần đưa đất nước tiếp tục phát triển nhanh, bền
vững trong kỷ nguyên mới.
Thủ tướng
nêu rõ: Trong bối cảnh tình hình thế giới và trong nước diễn biến nhanh, phức tạp,
nhiều vấn đề mới phát sinh, với tinh thần nỗ lực vượt bậc "biến nguy thành
cơ", "chủ động, khôn khéo, linh hoạt để thay đổi trạng thái, xoay
chuyển tình thế"; với phương châm "kỷ cương trách nhiệm, chủ động kịp
thời, tăng tốc sáng tạo, hiệu quả bền vững", chúng ta tin tưởng rằng, với
trí tuệ và bản lĩnh Việt Nam đã được thử thách, hun đúc qua lịch sử hàng nghìn
năm văn hiến dựng nước và giữ nước, tiếp tục tỏa sáng để đưa đất nước ta vươn
lên tầm cao mới, đạt được những thành tựu to lớn hơn nữa trong kỷ nguyên vươn
mình, phát triển giàu mạnh, văn minh, thịnh vượng, sánh vai với các cường quốc
năm châu như sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu hằng mong muốn.
Theo BCP