CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (DGC) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2025 với doanh thu thuần đạt 2.810 tỷ đồng, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nguồn thu từ phốt pho vàng và H3PO4 tăng 13%, trong khi các mặt hàng khác cũng ghi nhận con số tăng trưởng hai chữ số.
Sau khi trừ đi chi phí và thuế, công ty mang về 836 tỷ
đồng lợi nhuận sau thuế, tăng 18% và hoàn thành 27% kế hoạch kinh doanh năm.
Tại thời điểm 31/3/2025, tổng tài sản doanh nghiệp đạt
16.516 tỷ đồng, tăng hơn 4% so với đầu năm. Trong đó, tiền mặt, tiền gửi và các
khoản tương đương chiếm khoảng 68%, tương đương hơn 11.287 tỷ đồng, tăng 5%.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ năm 2024, ban lãnh đạo cho biết lượng tiền tích lũy hiện có
là “của để dành” phục vụ chiến lược đầu tư dài hạn, đặc biệt là dự án bô xít -
alumin - nhôm tại Đắk Nông. Dự án quy mô lớn này được Chủ tịch Đào Hữu Huyền kỳ
vọng sẽ trở thành “quả đấm thép” của Tập đoàn trong 30 - 40 năm tới.
Về cơ cấu nguồn vốn, vốn chủ sở hữu đạt 14.314 tỷ đồng,
gấp 6,7 lần tổng nợ phải trả. Nợ vay ngắn hạn của DGC ghi nhận hơn 1.076 tỷ đồng,
với chi phí lãi vay trong kỳ đã trả gần 7 tỷ đồng.
Hóa chất Đức Giang (DGC) là nhà xuất khẩu
nguyên liệu quan trọng làm chip điện tử, pin xe điện
Hóa chất Đức Giang hiện là nhà xuất khẩu phốt pho vàng
lớn nhất châu Á, chiếm gần 1/3 tổng sản lượng xuất khẩu mặt hàng này trên toàn
cầu. Các thị trường chủ lực gồm Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ và Đài Loan (Trung Quốc),
đóng góp trên 50% doanh thu từ mảng này mỗi năm. Phốt pho vàng là nguyên liệu đầu
vào quan trọng, được sử dụng rộng rãi trong nhiều ngành công nghiệp như phân
bón, thuốc bảo vệ thực vật, thực phẩm, đặc biệt là sản xuất chip điện tử, chất
bán dẫn và pin lithium.
Theo Chứng khoán Vietcap, nhu cầu đối với sản phẩm hóa
chất photpho công nghiệp (IPC) tại khu vực Đông Á, đặc biệt là Nhật Bản và Đài
Loan đang có xu hướng tăng nhờ nhu cầu chip bán dẫn tăng cao và tác động từ
căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu
của Việt Nam. Trước bối cảnh đó, DGC đang từng bước điều chỉnh chiến lược thị
trường, gia tăng tỷ trọng xuất khẩu sang Đông Á nhằm tận dụng mức giá bán cao
hơn so với Ấn Độ.
Hiện giá bán IPC tại Đông Á đạt khoảng 4.300 USD/tấn,
tăng so với mức 4.200 USD trong quý IV/2024. Trong khi đó, thị trường Ấn Độ ghi
nhận giá trung bình 4.000 USD/tấn, tăng từ 3.900 USD trong quý trước.
Tại ĐHĐCĐ năm 2025, ban lãnh đạo lưu ý chi phí điện
tăng là một rủi ro đáng kể đối với mảng kinh doanh này. Với kế hoạch điều chỉnh
giá điện tăng khoảng 5%, chi phí sản xuất của DGC có thể tăng thêm khoảng 50
USD/tấn, do điện chiếm tới 30% tổng chi phí. Dù vậy, theo đánh giá của Vietcap,
doanh nghiệp nhiều khả năng có thể chuyển phần chi phí gia tăng này sang khách
hàng nhờ vào lợi thế cạnh tranh vượt trội khi là một trong số ít nhà xuất khẩu
phốt pho vàng có sản phẩm đạt độ tinh khiết cao trên thị trường quốc tế.
NQS