Đối với những cụm công nghiệp được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng đã thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp, đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế, giải quyết việc làm cho hàng chục nghìn lao động.


Đồng chí Trịnh Việt Hùng, Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Thái Nguyên và các đại biểu chúc mừng các nhà đầu tư thứ cấp được nhận Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư vào Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương và Cụm công nghiệp Bảo Lý - Xuân Phương (Phú Bình).

Duy trì sức hút đầu tư nhờ phát huy lợi thế

Trong năm 2024 và 4 tháng đầu năm 2025, 7 cụm công nghiệp (CCN) trên địa bàn tỉnh đã thu hút thêm 38 nhà đầu tư thứ cấp, với tổng diện tích đất cho thuê là 58,25ha, tổng vốn đăng ký trên 8.726 tỷ đồng. Đặc biệt, ngày 19/4/2025, cùng với cả nước, tỉnh Thái Nguyên đồng loạt tổ chức lễ khởi công, khánh thành nhiều công trình, dự án trọng điểm trên địa bàn. Dịp này, tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho 7 nhà đầu tư thứ cấp vào CCN Hạnh Phúc - Xuân Phương và CCN Bảo Lý - Xuân Phương (Phú Bình), với tổng số vốn đăng ký trên 3.105 tỷ đồng.

Trong đó, nhiều dự án có tổng mức đầu tư rất cao, như: Nhà máy cán thép hình Đại Việt Phú Bình với 2.200 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất giấy Xuân Phương 350 tỷ đồng; Nhà máy sản xuất giấy Phúc Huy trên 159 tỷ đồng… Đó là minh chứng sống động về lực hút của các CCN trong thời gian gần đây.


Cụm công nghiệp Hạnh Phúc - Xuân Phương đã cơ bản hoàn thiện hạ tầng, thu hút nhiều nhà đầu tư thứ cấp triển khai các dự án xây dựng nhà máy.

Trên địa bàn huyện Phú Bình được quy hoạch 8 CCN, trong đó CCN Kha Sơn do Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG làm chủ đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2010. Tại đây, Chi nhánh TNG Phú Bình đang giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động, chủ yếu là người địa phương và huyện Hiệp Hòa (Bắc Giang).

Chia sẻ từ Chị Nguyễn Thị Hương, công nhân Chi nhánh TNG Phú Bình, ở xã Kha Sơn: Tôi có gần 10 năm gắn bó với TNG, mức lương hiện tại là trên 8 triệu đồng/tháng. Nhà máy nằm trong CCN gần nhà nên hết giờ làm tôi vẫn quán xuyến được việc gia đình, không phải thuê trọ nên tiết kiệm được một khoản.

CCN số 3 Đa Phúc (TP. Phổ Yên) do Công ty CP Tư vấn và chuyển giao công nghệ quốc tế ICT làm chủ đầu tư hiện cũng giải quyết việc làm cho trên 1.000 lao động. Theo ông Vũ Quốc Huy, Trưởng Ban Quản lý CCN số 3 cảng Đa Phúc: Lợi thế của CCN được xây dựng cạnh cảng đường sông Đa Phúc, rất thuận lợi cho việc vận chuyển hàng hóa có khối lượng lớn nên thu hút nhiều doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh lĩnh vực chế tạo cơ khí, sản xuất gỗ ván ép, vật liệu xây dựng. Hiện CCN đã được lấp đầy, số lao động làm việc tại đây hầu hết là người dân của TP. Phổ Yên và huyện Sóc Sơn (Hà Nội).

Cụm công nghiệp Kha Sơn (Phú Bình) do Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG làm chủ đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2010. Tại đây, Chi nhánh TNG Phú Bình đang giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động, chủ yếu là người địa phương.


Cụm công nghiệp Kha Sơn (Phú Bình) do Công ty CP Đầu tư và Thương mại TNG làm chủ đầu tư đi vào hoạt động từ năm 2010. Tại đây, Chi nhánh TNG Phú Bình đang giải quyết việc làm cho gần 4.000 lao động, chủ yếu là người địa phương.

Những năm vừa qua, tỉnh Thái Nguyên tích cực mời gọi nhà đầu tư, tạo thuận lợi phát triển CCN. Đến nay, tỉnh có 13/41 CCN đi vào hoạt động thu hút 75 dự án/cơ sở sản xuất, hiện có 59/75 dự án/cơ sở sản xuất đang hoạt động sản xuất kinh doanh. Tổng doanh thu của dự án đầu tư trong các CNN năm 2024 là 10.612 tỷ đồng; giải quyết làm việc cho 11.738 lao động, nộp ngân sách nhà nước ước khoảng 176 tỷ đồng. Tỷ lệ lấp đầy bình quân của các CCN đã hoạt động đạt 56%.

Tăng tốc giải phóng mặt bằng

Mặc dù công tác thu hút đầu tư có nhiều khởi sắc, song hiện còn một số dự án đầu tư CCN vẫn chậm tiến độ, nguyên nhân chủ yếu do công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng (GPMB), tái định cư gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.

Để các CCN đã được thành lập khẩn trương đi vào hoạt động, Sở Công Thương tỉnh Thái Nguyên đang tích cực phối hợp với chính quyền địa phương và chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ bồi thường GPMB. Những ngày này, tại các xã Lương Phú, Tân Đức, Hà Châu (Phú Bình), công tác thống kê, kiểm đếm, hỗ trợ GPMB đang được cấp ủy, chính quyền tích cực phối hợp cùng Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện đẩy nhanh tiến độ.

Ông Nguyễn Bá Chính, Giám đốc Sở Công Thương chia sẻ : Các CCN đi vào hoạt động sẽ góp phần vào giá trị đầu tư, bởi một suất đầu tư vào CCN đạt mấy chục tỷ đồng/ha sẽ có tác động tích cực vào tăng trưởng của tỉnh. Đồng thời, tạo ra giá trị sản xuất công nghiệp, xuất khẩu, tạo việc làm cho người lao động. Vì thế, các địa phương cần nỗ lực hơn nữa trong công tác bồi thường, GPMB - điểm mấu chốt để đưa các CCN đi vào hoạt động.


Nhà máy may TNG Võ Nhai được đầu tư xây dựng tại Cụm công nghiệp Cây Bòng, xã La Hiên, hiện đang tạo việc làm ổn định cho trên 1.500 lao động địa phương

CCN Lương Phú - Tân Đức có tổng diện tích là 72,21ha, khoảng 510 hộ phải thu hồi đất (trong đó khoảng 20 hộ thuộc xã Tân Đức có đất ở, nhà ở phải di chuyển chỗ ở). Với sự chỉ đạo quyết liệt của các địa phương, đến nay đã kiểm đếm được 477 hộ, diện tích 54,69ha; tổ chức chi trả tạm ứng tiền bồi thường, hỗ trợ GPMB đối với 221 hộ với diện tích 24,25ha, số tiền là 84,07 tỷ đồng.

Đối với CCN Tân Đức, tổng diện tích quy hoạch là 64,3ha, với 345 hộ ảnh hưởng, hiện nay đã kiểm đếm được 203 hộ, diện tích 21,6ha; trình thẩm định phương án bồi thường hỗ trợ GPMB 75 hộ, diện tích 5,3ha. Đã tạm ứng chi trả tiền bồi thường hỗ trợ GPMB đối với 83 hộ, diện tích 6,2ha, số tiền 21,3 tỷ đồng.

Với tiến độ như trên, huyện Phú Bình đã bám sát Quyết định số 93/QĐ-UBND ngày 11/4/2025 của UBND tỉnh đề ra đó là: CCN Lương Phú - Tân Đức và CCN Tân Đức, đến trước ngày 19/5/2025, UBND huyện Phú Bình giải phóng bàn giao mặt bằng sạch mỗi CCN với diện tích khoảng 20ha cho chủ đầu tư để khởi công. Đối với CCN Hà Châu 1 và CCN Hà Châu 2, trong quý III/2025 giải phóng bàn giao mặt bằng sạch mỗi CCN với diện tích khoảng 20ha cho Công ty CP Đầu tư và Phát triển Thượng Đình group và Công ty CP Đầu tư Minh Đức group triển khai xây dựng hạ tầng.

Với sự nỗ lực của các sở, ban, ngành và các địa phương trong công tác GPMB đã góp phần đẩy nhanh tiến độ thu hút các đầu tư vào các CCN. Đây là cơ sở để tỉnh sớm hiện thực hóa mục tiêu trở thành trung tâm công nghiệp của vùng trung du và miền núi Bắc Bộ.

Theo Phương án phát triển cụm CCN tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021-2030 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, trên địa bàn tỉnh có 41 CCN với tổng diện tích 2.067ha. Hiện nay đã có 27/41 CCN được thành lập với tổng diện tích 1.073ha, tổng số vốn đăng ký là 10.898 tỷ đồng.

BTN